“Việt Nam đối phó với dịch bệnh Covid-19 rất tốt. Việt Nam đã không ghi nhận ca tử vong nào cho đến khi đợt dịch bệnh thứ hai bùng phát cách đây hơn hai tuần. Việt Nam là một trong những quốc gia có những hành động rất sớm và dứt khoát, luôn duy trì thông tin rất minh bạch về đại dịch”, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đưa ra đánh giá khi trả lời phỏng vấn của VOV mới đây.
Theo Đại sứ Pranay Verma, Việt Nam cũng đã phối hợp thực hiện các biện pháp để đảm bảo việc xét nghiệm, truy vết ca bệnh, kiểm dịch và huy động toàn bộ bộ máy chính quyền cùng với xã hội chống lại đại dịch. Đây là những yếu tố góp phần giúp Việt Nam kiểm soát, không để dịch bệnh bùng phát mạnh.
Đại sứ Verma thừa nhận, Covid-19 đã gây ra nhiều sự gián đoạn. Tuy nhiên, đại dịch không thể ngăn cản hai nước tiếp tục hợp tác, kể cả ở cấp độ cao nhất.
“Như các bạn đã biết, ngày 13/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận không chỉ về tình hình dịch bệnh Covid-19 mà còn về nhiều khía cạnh khác trong quan hệ song phương.
Chúng ta cũng đang chia sẻ với nhau rất nhiều kinh nghiệm liên quan đến ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi đã tổ chức các chương trình nâng cao năng lực quản lý trong xử lý Covid-19 bằng hình thức trực tuyến và mời đối tác Việt Nam tham gia. Lực lượng quân y của hai nước cũng tổ chức các cuộc hội thảo từ xa để học hỏi những phương pháp hay nhất của nhau trong cuộc chiến chống Covid-19”, ông Verma nói.
Chia sẻ về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Ấn Độ, Đại sứ Verma cho biết, với dân số 1,3 tỷ người, Ấn Độ đến ngày 7/8 ghi nhận 1,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1,4 triệu trường hợp đã bình phục hoàn toàn. Tỷ lệ bệnh nhân hồi phục ở Ấn Độ ở mức hơn 68%, trong khi tỷ lệ tử vong đã giảm xuống dưới 2,1% - thấp hơn mức trung bình trên thế giới, hiện là hơn 5%.
Theo ông Verma, để đạt được kết quả này, Chính phủ Ấn Độ đã sớm có một số hành động rất quyết đoán, bao gồm cả việc hạn chế đi lại và đóng cửa quốc gia chưa từng có tiền lệ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
“Về mặt y tế, Ấn Độ cũng tích cực tham gia nghiên cứu vaccine. Hai loại vắc xin của chúng tôi hiện đã đi đến giai đoạn thử nghiệm trên người và những phản hồi ban đầu rất đáng khích lệ. Là "hiệu thuốc của thế giới", Ấn Độ sản xuất 20% thuốc gốc trên thế giới và 62% vaccine toàn cầu. Do đó, Ấn Độ sẽ đóng vai trò hàng đầu trong những nỗ lực này. Hiện tại, để đối phó với đại dịch, chúng tôi đang cung cấp thuốc hỗ trợ điều trị cho gần 150 quốc gia trên thế giới”, Đại sứ Pranay Verma nói.
Về khả năng chia sẻ với Việt Nam trong trường hợp sản xuất vaccine ngừa Covid-19 thành công, Đại sứ Verma cho biết: “Tôi nghĩ một khi có thể đạt được thành công trong việc sản xuất vaccine, nó sẽ là ‘lợi ích toàn cầu’ dành cho cả nhân loại. Trên thực tế, nỗ lực ngày nay không chỉ là tìm ra hoặc sản xuất vaccine mà là để có được một loại vaccine có thể chia sẻ và được chia sẻ với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người trên thế giới. Đại dịch Covid-19 là một thách thức toàn cầu và do đó, phải có một phản ứng mang tính toàn cầu, xuất phát từ những lợi ích và hành động của toàn thế giới”./.