Đại sứ quán Ấn Độ, Hà Nội mở Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC) dưới sự bảo trợ của Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ từ tháng 9 năm 2016. Trung tâm được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Tướng V.K. Singh và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thiện khánh thành vào ngày 20 tháng 4 năm 2017.
SVCC thúc đẩy và nuôi dưỡng mối quan hệ văn hóa hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam bằng cách tăng cường hiểu biết thông qua việc tổ chức các chương trình văn hóa, tọa đàm, triển lãm ảnh, chiếu phim, diễn thuyết, hội thảo và các lớp học về nhiều lĩnh vựcnhư Yoga, múa, nghệ thuật và triết học Ấn Độ, ngôn ngữ Hindi và tiếng Phạn, y học cổ truyền, di sản chung về Phật giáo và Chăm-pa với Việt Nam, v.v. Trung tâm cũng hợp tác với nhiều cơ quan và tổ chức khác nhau ở Việt Nam liên quan đến nghiên cứu Ấn Độ, các trường Đại học, Thư viện Quốc gia Việt Nam và các hội hữu nghị khu vực/quốc gia.
Thư viện của Trung tâm có một tuyển tập hơn 2.500 cuốn sách, tạp chí, đĩa CD và DVD về các khía cạnh khác nhau của lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, thiên nhiên, du lịch và các vấn đề quốc tế của Ấn Độ. Tuyển tập tư liệu cốt lõi bao gồm các đầu sách về những danh nhân nổi tiếng của Ấn Độ như Guru Nanak, Sant Tukaram, Mahatma Gandhi, Rabindranath Tagore, Kuvempu và Suryakanth Tripathi Nirala. Các chủ đề rất đa dạng như Phật giáo, nghệ thuật, biểu tượng, văn hóa, lịch sử, triết học, Phật pháp, văn học, thể thao, phim ảnh, chính trị và chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Thư viện cũng có tủ sách dành riêng cho trẻ em, trưng bày sách thuộc tuyển tập Amar Chitra Katha về câu chuyện của các anh hùng Ấn Độ thời cổ đại và hiện đại. Sách trong thư viện chủ yếu được xuất bản bằng ba ngôn ngữ: tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Việt.
SVCC cũng tổ chức các sự kiện văn hóa về các khía cạnh khác nhau của văn hóa và lịch sử Ấn Độ bao gồm nghệ thuật, khiêu vũ, văn học, lễ hội, các danh nhân quốc gia, phong trào tự do, v.v. Việc quảng bá Yoga cũng là một phần quan trọng trong các hoạt động của SVCC, trong đó có việc tổ chức các sự kiện để kỷ niệm Ngày Quốc tế Yoga hàng năm. SVCC cũng tập trung vào việc làm nổi bật mối liên hệ lịch sử, văn hóa và văn minh giữa Ấn Độ và Việt Nam. Công tác trùng tu và bảo tồn các quần thể đền thờ Chăm-pa đã được Chính phủ Ấn Độ tiến hành tại Di sản Thế giới được UNESCO công nhận - Khu Thánh địa Mỹ Sơn. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng lưu giữ nhiều hiện vật thể hiện mối liên hệ văn hóa của Ấn Độ tại Việt Nam.
Hỗ trợ các liên kết Phật giáo Ấn Độ-Việt Nam là một lĩnh vực công việc khác của SVCC. Về vấn đề này, SVCC chủ động phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam và các tổ chức quan trọng khác để bảo tồn và thúc đẩy mối quan hệ Phật giáo giữa hai nước. SVCC cũng phối hợp với các tổ chức Phật giáo tại Việt Nam để tổ chức các lễ hội quan trọng như Lễ Phật đản (Vesak) và Asadha Poornima. Để tăng cường hiểu biết về những mối liên kết này đối với thế hệ trẻ và các quan khách khác, SVCC cũng đã ra mắt một hệ thống thông tin điện tử tương tác trong khuôn viên Trung tâm để giới thiệu di sản Phật giáo chung của hai nước.
Để biết thêm về các hoạt động và chương trình của Trung tâm, xin vui lòng ghé thăm SVCC tại số 63 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc theo dõi trang Facebook của SVCC tại: https://www.facebook.com/IndianCultureInVietnam