Cùng dự có Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Ấn Độ tại TP.HCM - Madan Mohan Sethi; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tại TP.HCM - Huỳnh Thành Lập.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang trao tặng Đại sứ Ấn Độ chiếc khăn rằn của căn cứ Cách mạng địa đạo Củ Chi
Tại buổi gặp, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang xúc động nhắc lại tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước gắn bó trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên nền tảng tình hữu nghị trong sáng, thủy chung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã đặt nền tảng. Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang chúc cho Ấn Độ ngày càng phát triển, đóng góp tích cực cho hòa bình hữu nghị khu vực châu Á Thái Bình Dương và khẳng định nhân dân Việt Nam luôn là những người bạn thân thiết của nhân dân Ấn Độ.
Trao đổi với Đại sứ, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang bày tỏ sự tin tưởng vào các chỉ số dự báo đến năm 2030, Ấn Độ sẽ vươn lên là cường quốc kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới hoàn toàn có cơ sở khách quan, nên điều ấy sẽ trở thành sự thật. Đồng thời, ông cũng mong muốn, các hoạt động giao lưu nhân dân, giao thương song phương Việt - Ấn diễn ra càng mạnh mẽ hơn; gia tăng sự kết nối thông qua tăng số lượng chuyến bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ mỗi tuần.
Tán thành những nội dung nguyên Chủ tịch nước - Trương tấn Sang trao đổi, Đại sứ cho biết, bản thân ông là một vị khách quốc tế đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, dịp này, ông đã gặp gỡ nguyên Chủ tịch nước tại buổi lễ. Có thể nói, bản thân ông cũng như nhiều bạn bè quốc tế là các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam,… đều có chung cảm xúc trân trọng, ngưỡng mộ Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng của dân tộc Việt Nam. Giới thiệu ẩm thực Nam Bộ đến bạn bè Ấn Độ, nguyên Chủ tịch nước đã mời Đại sứ cùng các người bạn Ấn Độ dùng món bánh xèo Nam Bộ với cách ăn kèm nước chấm pha, cuộn rau theo cách thức truyền thống địa phương. Đại sứ cho biết, ông cảm nhận từ món ăn hương vị đặc biệt, “tôi muốn học cách làm” – ông nói.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và đại sứ Ấn Độ - Sandeep Arya xúc động trao đổi về tình hữu nghị trong sáng, thủy chung giữa nhân dân hai nước
Liên quan thành quả giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ tại TP.HCM, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tại TP.HCM đã thông tin đến Đại sứ về kết quả chuyến đi Ấn Độ của Đoàn công tác Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ vào tháng 4/2024. Chuyến đi đã giúp các Ủy viên Ban Chấp hành tăng cường tiếp xúc, giới thiệu các hoạt động đối ngoại nhân dân hai bên, các nét văn hóa tương đồng, các thành tựu khoa học và công nghệ, chất lượng, năng suất giống cây trồng để phục vụ đời sống đông đảo người dân, các công trình kiến trúc cổ xưa, tay nghề truyền thống, nghệ thuật chạm trổ, bảo tồn di tích, kết hợp du lịch chữa bệnh, kết hợp truyền thống và hiện đại để tổ chức các hoạt động văn hóa giải trí,... trong phạm vi giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ. Đồng thời, chia sẻ, trong thời gian tới, VIFA sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân tại TP.HCM, nhất là thúc đẩy giao lưu song phương trên lĩnh vực giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục.
Dịp này, phu nhân nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã giới thiệu, mời Đại sứ và các thành viên đoàn công tác dùng những nông sản lai tạo giống mới của Việt Nam, đó là các quả lai trồng theo hướng có lợi cho sức khỏe, giảm calo, ví dụ như, giảm hàm lượng đường cho quả xoài, hoặc nghiên cứu ra giống mận Sân Tiên không còn vị chát, vốn là hạn chế trong hương vị của mận. Đại sứ Ấn Độ xúc động bày tỏ, sự quan tâm của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang dành cho sự phát triển nông nghiệp, không chỉ là công việc, mà là một tình yêu, niềm cảm hứng vô cùng đặc biệt. Ông cũng cho biết, thân sinh và cha vợ của Đại sứ cũng là nông dân, nên hôm nay đến đây, gặp gỡ và trò chuyện cùng ông bà, đại sứ cảm nhận được sự am hiểu, đồng điệu với nhau thật thoải mái, tự nhiên.
Tại buổi gặp, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cũng đã đưa đoàn đi tham quan Khu di tích lịch sử Giồng Dứa, là di tích lịch sử Căn cứ Liên quận 5, 6, 7, 8 và Ban Hoa vận, Ban Công vận thuộc Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, tại ấp Giồng Lớn, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang mời đoàn thăm Khu di tích lịch sử Giồng Dứa
Tại đây, Đại sứ và Tổng Lãnh sự cùng các thành viên đoàn đã xúc động được nghe kể lại và tận mắt nhìn thấy hình ảnh trong khu di tích căn cứ cách mạng Giồng Dứa, các bạn Ấn Độ đã dâng nén hương tưởng niệm những chiến sĩ cách mạng Việt Nam ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Dịp này, nguyên Chủ tịch nước đã khoác tặng Đại sứ Ấn độ chiếc khăn rằn Nam Bộ, được gửi đến từ căn cứ Cách mạng địa đạo Củ Chi, TP.HCM.
Đại sứ Ấn Độ bày tỏ lòng ngưỡng mộ tinh thần dũng cảm, quật cường của dân tộc Việt Nam. Ông khẳng định, ông luôn xem Việt Nam là người bạn thân thiết và đáng tự hào. Bản thân Đại sứ vô cùng ngưỡng mộ mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, những điểm tương đồng, có giá trị đạo đức, nhân văn quý giá giữa nhân dân hai nước. Ông khẳng định, với những đóng góp cho quan hệ hòa bình – đoàn kết – hữu nghị mà nguyên Chủ tịch nước đã thực hiện trên cương vị Chủ tịch nước trước đây và giai đoạn hiện nay, đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, tiếp tục gìn giữ, phát huy, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, mang đến lợi ích thiết thực cho nhân dân, từ đó tăng cường hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau giữa hai quốc gia, dân tộc.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ về hoạt động Hầm bí mật trong khuôn viên Chùa Pháp Minh, nơi nuôi giấu, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, từ đó các bạn Ấn Độ hiểu thêm về "Chiến tranh nhân dân" của dân tộc Việt Nam.
Trong bầu không khí ấm áp, chân tình, trên vùng đất Long An trung dũng kiên cường, trước những người bạn Việt Nam chân phương, hiền hậu và hiếu khách, trong dòng chảy bất tận quan hệ hữu nghị “trong sáng như bầu trời không một gợn mây” “Việt Nam - Ấn độ”, Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya bồi hồi chia sẻ: “Khi đến nơi này trái tim tôi thật sự rung động”, “Đây là những khoảnh khắc tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình!”./.
Hồ Hiến Chương