About Us

Kính thưa Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng

Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thượng Tọa Thích Đức Thiện

Giám đốc Học viện Phật giáo Việt Nam Hòa Thượng Thích Giác Toàn

Kính thưa chư Tăng, các vị lãnh đạo, các học giả và các tín đồ

Xin Chào, Namaskar, Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật

Tôi xin chân thành cảm ơn vì niềm vinh dự khi được mời tới dự lễ kỷ niệm 35 năm thành lập một viện nghiên cứu quan trọng như thế này.

Tôi cũng xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vì đã hoàn thành chặng đường 35 năm đầy ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và tâm linh.

Chúng ta cũng tưởng nhớ cuộc đời và sự đóng góp to lớn của Trưởng lão Hòa Thượng Thích Minh Châu và vô cùng vui mừng trước những kết nối thân tình cũng như việc giảng dạy của ngài tại Ấn Độ.

Thưa chư tăng, các vị lãnh đạo và các tín đồ thân mến,

Ấn Độ tự hào là quê hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tự hào về di sản to lớn liên quan tới cuộc đời, Giáo pháp, tư tưởng và ảnh hưởng mãi mãi không thể phai mờ của ngài đối với toàn thể nhân loại. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại ảnh hưởng to lớn lên đời sống tâm linh, triết học, xã hội và cả đời sống chính trị ở Ấn Độ theo nhiều cách. Tôi đã học về Tứ diệu đế và Bát chánh đạo của Đức Phật trong sách giáo khoa ở trường như tất cả học sinh Ấn Độ trên khắp đất nước. Triết lý và lý tưởng của Đức Phật ảnh hưởng đến tư duy của người Ấn Độ về sự bình yên trong nội tâm, sức mạnh của thiền định, sự hài lòng trong cuộc sống và sự kiềm chế trong hành vi cũng như ứng xử của con người. Thủ tướng Modi đã nói rằng lộ trình mà Ấn Độ vạch ra cho sự phát triển của mình sẽ được dẫn đường bởi những lời dạy của Đức Phật.

Tôi tin rằng lý tưởng và con đường của Đức Phật có vai trò to lớn trong việc giải quyết những thách thức của thế giới hiện tại – bao gồm hòa bình, hòa hợp, nhân văn và lòng trắc ẩn, sự tiếp cận phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, lối sống lành mạnh, sức khỏe tâm thần và các chuẩn mực ứng xử xã hội. Trong Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo tại Ấn Độ năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói rằng Con đường Phật giáo là con đường cho tương lai của thế giới, và là con đường bền vững. Lời kêu gọi của ngài Thủ tướng trong chiến dịch mang tên “Phong cách sống vì Môi trường” (Mission LifE) nhằm mục đích điều chỉnh lối sống và tiêu dùng cá nhân được lấy cảm hứng từ những ý tưởng của Đức Phật về việc kiềm chế ham muốn và lòng tham.

Tôi rất vui khi biết rằng ngày mai sẽ có một hội nghị với chủ đề 'Khám phá mối liên hệ lịch sử, tâm linh và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam', với sự tham dự của năm học giả Ấn Độ lỗi lạc đã di chuyển từ Ấn Độ tới Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hy vọng họ cũng sẽ rút ra được mối liên quan của cuộc đời và Phật pháp của Đức Phật đối với toàn thể nhân loại đương đại. Tôi biết ơn Liên đoàn Phật giáo Quốc tế tại New Delhi đã hỗ trợ để các học giả Ấn Độ có thể tham gia hội nghị này.

Ấn Độ đang nỗ lực hết sức để bảo tồn, duy trì và nâng cấp các di sản cũng như thánh địa Phật giáo tại Ấn Độ. Một trong những nỗ lực gần đây phải kể đến việc thành lập Trung tâm Quốc tế Ấn Độ tại Lumbini, việc cải tạo tại Sarnath, nơi có liên quan tới bài giảng đầu tiên của Đức Phật, việc xây dựng sân bay Kushinagar và việc mở rộng Đại học Nalanda, nơi từng là trụ sở nghiên cứu Phật giáo hàng đầu cách đây 1500 năm và đã thu hút các học giả từ khắp nơi trên thế giới. Đầu tháng này, chính phủ Ấn Độ đã công nhận tiếng Pali là ngôn ngữ cổ điển. Đây là ngôn ngữ thường được Đức Phật sử dụng và xuất hiện rộng rãi trong các lưu trữ, ghi chép và tài liệu về những lời dạy, tư tưởng và triết lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bước đi này sẽ tăng cường việc bảo tồn các tài liệu cũng như việc lưu trữ, dịch thuật và số hóa chúng.

Tôi rất vui mừng khi hàng trăm nhà sư, học giả và sinh viên Phật giáo theo học bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực Phật giáo, triết học Phật giáo, tiếng Pali và các chuyên ngành liên quan tại các trường đại học danh tiếng của Ấn Độ. Trong tháng 8 và tháng 9 năm nay, khoảng 40 học giả Việt Nam đã đến Ấn Độ bằng học bổng của chính phủ Ấn Độ để theo học thạc sĩ và tiến sĩ về lịch sử Phật giáo và tiếng Pali tại Đại học Delhi, Đại học Nalanda, Đại học Banaras Hindu, Đại học Andhra, Đại học Gautam Buddha, Đại học Lucknow, và nhiều hơn nữa.

Năm 2025 sẽ là một năm quan trọng đối với Việt Nam trong việc kỷ niệm lễ Vesak. Tôi sẽ rất vui nếu Ấn Độ có thể đóng góp cho lễ kỷ niệm Vesak ở Việt Nam theo một cách nào đó để nó đạt đến mức độ tương xứng.

Tôi xin gửi lời chào trân trọng và sâu sắc đến các vị Hòa thượng và các vị lãnh đao đáng kính có mặt ở đây hôm nay và gửi lời cảm ơn đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì những đóng góp to lớn cho tình hữu nghị giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam. Phật giáo đã và sẽ luôn là yếu tố then chốt trong quan hệ đối tác giữa hai nước chúng ta. Tôi vẫn nhớ rõ khi Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đến thăm Hà Nội vào năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã chọn chùa Trấn Quốc tại Hà Nội làm nơi hai Bộ trưởng Ngoại giao cùng đến thăm.

Tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho sự thành công của hội nghị và cảm ơn Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã nỗ lực tổ chức hội nghị quan trọng này cũng như phiên đặc biệt về mối liên kết Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Xin cảm ơn hay Danyavad, như chúng tôi hay nói ở Ấn Độ.

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật

*****