Thực tiễn và kinh nghiệm triển khai chương trình Ấn Độ kỹ thuật số
Chính phủ Ấn Độ đã phát động chương trình Digital India (Ấn Độ kỹ thuật số) trong năm 2015, với mục tiêu biến quốc gia này thành một xã hội được trao quyền kỹ thuật số và nền kinh tế tri thức.
Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số cũng là một trong những sáng kiến quan trọng của Ấn Độ trên con đường xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số, trong nhiệm kỳ đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 năm nay.
Chương trình Ấn Độ kỹ thuật số có ba hợp phần chính: Cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một tiện ích cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số; Cung cấp dịch vụ quản trị và phạm vi dịch vụ rộng nhất ở Ấn Độ thông qua nền tảng kỹ thuật số; Đảm bảo trao quyền cho công dân thông qua kiến thức kỹ thuật số và khả năng tiếp cận phổ cập các tài nguyên và dịch vụ kỹ thuật số thân thiện với người dùng.
Đi đầu trong cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẵn có
Chính phủ Ấn Độ đi đầu trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẵn có, bao gồm Internet tốc độ cao được hỗ trợ thông qua kết nối điện thoại di động, quyền truy cập tài khoản ngân hàng và định danh kỹ thuật số cho mỗi công dân, trực tuyến và có thể xác thực được.
Định danh kỹ thuật số ‘Aadhaar’ do cơ quan chính phủ có quyền tự chủ ‘UIDAI’ quản lý bằng sinh trắc học được cung cấp cho 1,37 tỷ người Ấn Độ với tính năng xác thực thời gian thực đối với công dân sử dụng dịch vụ kỹ thuật số. Công cụ xác minh định danh kỹ thuật số này đã trở thành cốt lõi của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, không cần sự hiện diện thực của công dân khi sử dụng các dịch vụ và loại bỏ danh tính trùng lặp.
Yếu tố cốt lõi thứ hai trong chuyển đổi số ở Ấn Độ là Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) theo thời gian thực, do Tập đoàn Thanh toán quốc gia Ấn Độ vận hành cho tất cả các giao dịch kỹ thuật số sử dụng tài khoản ngân hàng, thẻ, ví kỹ thuật số hoặc thanh toán qua điện thoại kết nối mạng.
Ấn Độ có 850 triệu người dùng internet và 1,14 tỷ thuê bao di động đã được hỗ trợ thông qua việc mở rộng nhanh chóng các cơ sở ngân hàng cho 482 triệu người thụ hưởng an sinh xã hội, mở rộng dịch vụ ngân hàng tới 80% dân số trưởng thành, bằng liên kết họ với hệ thống thanh toán kỹ thuật số tức thời.
UPI tạo điều kiện cho 10 tỷ giao dịch thanh toán ngay tức thì mỗi tháng ở Ấn Độ, chiếm hơn 45% thanh toán theo thời gian thực trên toàn cầu.
Hệ thống nhận dạng kỹ thuật số 'Aadhaar' có thể xác thực theo thời gian thực, phổ quát cùng với giao diện thanh toán kỹ thuật số thống nhất 'UPI' đã cung cấp nền tảng, do chính phủ Ấn Độ dẫn dắt, cho phép chính phủ, cơ quan, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ trao đổi dữ liệu và triển khai dịch vụ cho bất kỳ công dân Ấn Độ nào.
Việc xác minh danh tính từ xa theo thời gian thực cùng với cơ chế thanh toán theo thời gian thực này đã thúc đẩy cuộc cách mạng chuyển đổi kỹ thuật số ở Ấn Độ.
Phạm vi dịch vụ số hóa dành cho công dân Ấn Độ không ngừng phát triển, bao gồm các tài liệu cá nhân (khai sinh, kết hôn, tài khoản thuế, bảo hiểm, lái xe, đăng ký xe, cử tri, học tập, hộ chiếu, giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa bệnh); các chương trình phúc lợi của chính phủ (lương hưu, bảo hiểm y tế, đảm bảo việc làm, phân phối công, học bổng, trợ cấp); các tiện ích (điện, nước, ga, khai thuế và nộp thuế); các dịch vụ đổi mới (thông tin về giá nông sản cho nông dân, hỗ trợ an ninh công cộng, y tế từ xa, hồ sơ đất đai kỹ thuật số, hệ thống thông tin không gian địa lý)...
Các dịch vụ kỹ thuật số mới đang được bổ sung liên tục bằng cách sử dụng nền tảng được tạo ra trong những năm qua.
Dịch vụ khóa kỹ thuật số
Một sáng kiến gần đây là tạo ra các dịch vụ khóa kỹ thuật số liên kết các công dân với hồ sơ kỹ thuật số xác thực được xác minh bởi nhà xuất bản dữ liệu, có thể được sử dụng bởi người dùng dữ liệu đại diện cho danh tính và dữ liệu đã được xác minh của người sử dụng.
Chẳng hạn, một ứng dụng hữu ích là quy trình tuyển sinh đại học không cần giấy tờ vì đã được số hóa với hồ sơ học tập có chứng thực, mẫu đơn đăng ký, điểm thi, thanh toán và thủ tục nhập học.
Một ví dụ thú vị khác là chợ điện tử của chính phủ Ấn Độ (GeM) dành cho việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Chính phủ như thiết bị, văn phòng phẩm, phương tiện, dịch vụ thuê ngoài mà không cần sự hiện diện thực và loại bỏ các hành vi sai trái giữa các văn phòng chính phủ và nhà cung cấp dịch vụ.
Để đảm bảo các dịch vụ này có sẵn cho các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, chính phủ Ấn Độ đã tạo điều kiện cho các trung tâm dịch vụ chung trở thành các điểm truy cập để cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người dân trên khắp đất nước nằm xa các trung tâm đô thị.
Khoảng 535.000 trung tâm như vậy đang cung cấp dịch vụ ngân hàng, tài liệu cá nhân, phúc lợi, tiện ích và nhiều dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa ở Ấn Độ. Ngày càng có nhiều cơ quan và văn phòng tận dụng định danh có xác thực và các lớp thanh toán, cũng như mạng lưới các trung tâm dịch vụ, bằng cách đưa ra các dịch vụ kỹ thuật số mới hơn, như hệ thống phân phối thuốc.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chính phủ Ấn Độ không ngừng nâng cấp tính sẵn có của đường truyền băng thông rộng (mạng cáp quang quốc gia), kết nối di động tốc độ cao phổ cập, truy cập internet công cộng, nền tảng dữ liệu mở và khuyến khích các dịch vụ của chính phủ được tích hợp vào lớp trao đổi dữ liệu giữa các nhà xuất bản dữ liệu và người sử dụng dùng giao diện lập trình ứng dụng.
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp này đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ số hóa cho dân số lớn nhất thế giới của Ấn Độ. Là một phần của hoạt động này, đổi mới công nghệ đang được ưu tiên, như việc Ấn Độ tạo ra tiêu chuẩn 5G mới để mở rộng dịch vụ viễn thông 5G ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Đầu năm 2023, chính phủ Ấn Độ đã triển khai cơ sở hạ tầng thử nghiệm 6G và tầm nhìn 6G, dự kiến sẽ được thương mại hóa trong khoảng 7 năm nữa.
Người ta có thể hình dung sự thoải mái trong cuộc sống nhờ chuyển đổi kỹ thuật số ở Ấn Độ, nơi một người có thể tận dụng một loạt các dịch vụ kỹ thuật số từ dữ liệu của chính phủ, ngân hàng, phúc lợi, thanh toán tiện ích, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ sự tiện nghi ngay tại nhà của mình.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số dựa trên dữ liệu này đang tạo ra những cơ hội mới, như tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ dựa trên dữ liệu bán hàng số hóa được xác minh từ hệ thống thanh toán kỹ thuật số thay vì thông qua thế chấp hoặc tài liệu rườm rà.
Với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ đã lãnh đạo nhóm công tác về kinh tế số G20 xây dựng khung tự nguyện để phát triển, triển khai và quản trị cơ sở Hạ tầng công cộng kỹ thuật số; Các nguyên tắc cấp cao để hỗ trợ an toàn, an ninh, khả năng phục hồi và sự tin cậy trong nền kinh tế kỹ thuật số; Bộ công cụ thiết kế và giới thiệu các chương trình nâng cao và đào tạo lại kỹ năng kỹ thuật số; và có kế hoạch xây dựng và duy trì kho lưu trữ cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số toàn cầu ảo...
Điều này sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số sáng kiến quốc gia của Ấn Độ, có thể tìm hiểu thêm chi tiết website: www.indiastack.global, ispirt.in
Việt Nam đang triển khai mô hình chuyển đổi số của riêng mình để đáp ứng nhu cầu và ưu tiên đối với nền kinh tế số. Đối thoại Ấn Độ-Việt Nam mang lại cơ hội trao đổi thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao nỗ lực của mỗi bên và cùng nhau tiến lên dẫn đầu thế giới số hóa trong thời gian tới.